Tình đầu

Tháng 1/1946, lúc mười hai tuổi rưỡi, tôi chuyển từ trường ôn thi The Hall ở Hampstead đến một ngôi trường rộng lớn hơn nhiều, St. Paul’s, tại Hammersmith. Cũng chính tại đó, tại Thư viện Parker, tôi lần đầu gặp Jonathan Miller. Tôi đang trốn trong góc phòng đọc một quyển sách thế kỷ 19 về tĩnh điện – vì lý do nào đó chả nhớ, đọc về “trứng điện” – thì một bóng người trùm lên trang sách. Tôi ngước lên, thấy một cậu bé cao lều khều với khuôn mặt lanh lợi, sáng sủa, cùng đôi mắt láu cá và mái tóc hung rực rỡ. Chúng tôi bắt chuyện, và trở thành bạn thân từ ấy đến nay.

Trước thời điểm đó, tôi chỉ có một người bạn thực thụ, Eric Korn, quen biết từ nhỏ. Eric theo bước tôi từ The Hall đến St. Paul’s, và giờ cậu cùng tôi và Jonathan tạo thành một bộ ba không rời, chẳng những vì lý do cá nhân mà còn lý do gia đình nữa (mấy ông cha 30 năm trước học trường y chung với nhau, và ba gia đình vẫn còn thân). Jonathan và Eric không thích Hóa học như tôi – dù một hai năm trước họ từng cùng tôi làm một thí nghiệm hóa bùm chéo: quăng một nhúm to kim loại natri vào hồ Highgate ở Hampstead Heath rồi cũng háo hức xem nó bắt lửa chạy vòng quanh mặt hồ như một thiên thạch sổ lồng, cùng ánh lửa vàng khổng lồ bên dưới – nhưng họ rất thích thú với Sinh học, và không chóng thì chầy, chúng tôi lại cùng ngồi trong lớp Sinh học, và cùng phải lòng giáo viên môn sinh của mình, Sid Pask.

Thầy Pask rất tuyệt. Thầy cũng hẹp hòi, kỳ thị, lắp ba lắp bắp (chúng tôi cứ hay làm trò nhại thầy), và không thông minh xuất chúng. Bằng cách này hay cách khác: dìm hàng, mỉa mai, chê cười hay ép buộc, thầy đều khiến chúng tôi quay lưng với tất cả các hoạt động khác – thể thao hay tình dục, tôn giáo hay gia đình, và cả các môn khác ở trường. Thầy ra yêu sách là chúng tôi chỉ được một đường mà đi như thầy.

Đa số học trò đều nhận thấy thầy là một quản đốc có yêu cầu trên trời. Họ sẽ làm mọi thứ để trốn khỏi bá quyền nhỏ nhen của ông thầy chi li này, theo cách nhìn của họ. Giằng co được một thời gian, rồi không còn phản kháng nữa – họ được tự do. Thầy Pask không còn chỉ trích họ hay đòi hỏi thời gian và công sức ở họ một cách ngớ ngẩn nữa.

Nhưng mỗi năm đều có vài đứa trong lớp phản hồi lại thách thức của thầy Pask. Đổi lại, thầy dành tất cả cho chúng tôi – thời gian và sự tận tụy dành cho môn Sinh học của thầy. Chúng tôi sẽ ở lại đến khuya cùng thầy ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Chúng tôi sẽ hy sinh ngày nghỉ cuối tuần đi xem trưng bày cây cỏ. Chúng tôi sáng sớm mùa đông lạnh lẽo tinh mơ đã thức để tham dự khóa học nước ngọt tháng Giêng của thầy. Và mỗi năm một lần – ký ức này vẫn còn chút ngọt ngào đến sâu răng mỗi khi nhớ lại – chúng tôi sẽ cùng thầy đi Millport ba tuần để học sinh học hải dương.

Millport, ở duyên hải bờ Tây Scotland, có một trạm sinh học biển trang bị ngon lành, ở đó chúng tôi được chào đón và dẫn đi xem các thử nghiệm đang tiến hành. (Thời đó, các quan sát nền móng về sự phát triển của nhím biển đang được tiến hành, và Ngài Rothschild, hiện đang tiến hành thử nghiệm thụ tinh nhím biển sắp nổi tiếng, đã rất nhẫn nại với các cậu nam sinh nhiệt tình cứ bu quanh ngó vào mấy cái đĩa petri có ấu trùng pluetus.) Jonathan, Eric và tôi cùng đi thực địa vài lần trên bờ biển đá gập ghềnh, đếm động vật và tảo biển thấy được trên mỗi mẫu diện tích được giao, từ đỉnh đá phủ đầy địa y (với danh pháp xanthoria parietina) đến bờ biển và hồ thủy triều bên dưới. Eric đặc biệt khéo léo tinh tường; có lần, khi cần dây dọi để đo chiều cao nhưng không biết tìm chỗ nào để treo, cậu đã moi một con sên biển từ chân đá, đặt đầu dây xuống dưới, và nối lại chắc nịch ở phía trên, dùng nó làm kim ghim tự nhiên.

Chúng tôi đều theo các nhóm động vật khác nhau: Eric mê mẩn các loại hải sâm; Jonathan thích họ rươi lấp lánh; còn tôi khoái mực, bạch tuộc, tất cả họ chân đầu – loài mà theo tôi là thông minh và xinh đẹp nhất trong họ không xương sống. Một ngày nọ, chúng tôi cùng đi xuống bờ biển, đến Hythe tại Kent, nơi ba mẹ Jonathan tậu một căn nhà nghỉ hè, và hôm đó đã đi câu trên tàu cá cả ngày. Ngư dân thường sẽ quăng mực trở lại biển nếu chúng mắc lưới (mực không phải là món khoái khẩu của dân Anh). Nhưng tôi khăng khăng nhờ họ giữ chúng cho mình, và đến khi ba đứa đến nơi thì đã có mấy chục con mực sẵn. Chúng tôi mang mực về nhà bằng xô và hộp, đặt vào lọ lớn ở tầng hầm, và thêm vào chút cồn để lưu giữ. Ba mẹ của Jonathan đã đi vắng, nên chúng tôi chẳng cần ngại ngần. Chúng tôi sẽ có thể mang hết chúng về trường, cho thầy Pask – tưởng tượng ra thầy sẽ cười kinh ngạc khi chúng tôi mang vào lớp – và mỗi người trong lớp sẽ có một con để phân tách, mấy đứa mê chân đầu sẽ có hẳn hai ba con. Tôi sẽ thuyết trình về chúng ở Field Club, huyên thuyên về trí khôn, bộ não to, đôi mắt có võng mạc lồi, màu sắc thay đổi chóng vánh của chúng. 

Vài ngày sau, lúc ba mẹ Jonathan sắp về, chúng tôi nghe những tiếng thụi trầm đục từ tầng hầm, thế là đi xuống tìm hiểu, và phát hiện ra một cảnh tởm lợm: con mực, không được bảo quản tốt, đã trương lên và phát sinh khí làm nổ vỡ hết lọ, văng một đống mực lên tường và sàn nhà; thậm chí trên trần cũng dính vài mẩu nhỏ. Mùi ương thối kinh khủng không tưởng nổi. Chúng tôi cố hết sức cạy và lau tường sàn, dọn sạch hết các mẩu mực. Chúng tôi phun cả vòi nước xuống hầm, cười sặc sụa, nhưng vẫn không hết mùi, và khi mở cả cửa chính lẫn cửa sổ để làm hầm thoáng khí, mùi hôi bay vượt ra khỏi không gian tòa nhà, gây chướng khí trong bán kính gần 50m xung quanh.

Eric, luôn nhanh trí, đề xuất rằng chúng tôi nên ngụy trang, hay thay thế, mùi đó bằng một mùi mạnh hơn, nhưng dễ chịu – và chúng tôi quyết định sẽ chọn mùi dừa. Chúng tôi gom tiền lại mua một chai to, dùng nó tẩy tầng hầm, rồi rắc khắp nhà và khắp phần đất quanh nhà. 

Một tiếng sau thì ba mẹ Jonathan về đến, và khi đến gần tòa nhà thì bị mùi dừa choáng ngợp xộc vào mũi. Nhưng khi đến gần hơn, họ chạm trán vùng đầy mùi mực thối – hai mùi này, hai khí này, vì lý do nào đó đã chen lẫn với nhau trong khoảng không hai mét. Trước khi đến được hiện trường vụ án, tầng hầm, thì mùi đã không thể chịu nổi. Cả ba đứa chúng tôi đều thẹn cả người. Đặc biệt là tôi, vì sự vụ là từ lòng tham của tôi mà ra (chẳng phải một con mực là đủ sao?) và sự ngốc nghếch không nhận ra mẫu vật cần bao nhiêu cồn mới đủ. Ba mẹ của Jonathan phải rút ngắn chuyến du lịch và về nhà (còn căn nhà nghỉ thì đến mấy tháng sau vẫn không thể ở). Nhưng tình yêu tôi dành cho loài mực vẫn không suy suyển.

Có lẽ có thể giải thích chuyện này bằng Hóa học, hoặc Sinh học, vì mực (như các loài động vật thân mềm và giáp xác) có máu xanh, không phải đỏ, do chúng phát triển một hệ thống vận chuyển oxy hoàn toàn khác với động vật có xương chúng ta. Huyết sắc tố của chúng ta, hemoglobin, chứa sắt, còn huyết sắc tố màu xanh lam-lục của chúng, hemocyanin, chứa đồng. Sắt và đồng có mức oxy hóa khác nhau, cũng có nghĩa là chúng có thể dễ dàng lấy oxy từ phổi, chuyển lên mức oxy hóa cao hơn, và nhả ra vào các mô khi cần. Nhưng tại sao lại dùng sắt và đồng khi có một kim loại khác – vanadium, ở khá gần hai chất này trong bảng tuần hoàn – có ít nhất bốn mức oxy hóa khác nhau? Tôi tự hỏi là các hợp chất vanadium có từng được dùng làm huyết sắc tố chưa, và hưng phấn hết cỡ khi nghe rằng vài loài hải tiêu và sống đuôi mang trong mình nhiều vanadium và có những tế bào đặc biệt, gọi là vanadocyte, chuyên trữ chất này. Vì sao chúng có các tế bào đó là một bí ẩn; vì chúng chẳng phải một phần của hệ thống vận chuyển oxy.

Kỳ quặc và láo xược thay, tôi nghĩ tôi đã giải được bí ẩn này trong một chuyến du ngoạn hàng năm đến Millport. Nhưng tôi chẳng đi xa hơn việc thu thập một giạ hải tiêu (cũng với lòng tham không đáy đã khiến tôi gom cả mớ mực ngày trước). Tôi nghĩ mình có thể thiêu mấy con này và đo nồng độ vanadium trong tro (tôi đọc được ở đâu đó rằng có vài loài có thể lên trên mức 40%). Điều này dẫn tôi đến ý tưởng làm ăn duy nhất từng có: mở một trang trại vanadium – hàng mẫu hải điền, gieo đầy hải tiêu. Tôi sẽ dùng chúng để trích xuất vanadium quý giá từ nước biển, theo cách chúng đã làm rất hiệu quả trong ít nhất 300 triệu năm qua, rồi bán với giá 500 bảng mỗi tấn. Nhưng cũng nhận ra, vấn đề duy nhất là phải thảm sát bao nhiêu con hải tiêu mới làm được vậy, và tôi kinh hãi với chính suy nghĩ diệt chủng của mình.

Nhớ về South Kensington

Dịch từ Remembering South Kensington  trong quyển Everything in Its Place: First Loves and Last Tales của Oliver Sacks

Tôi đã yêu bảo tàng từ lâu lắm. Chúng đóng vai trò trung tâm trong đời sống của tôi, trong việc kích thích trí tưởng tượng và mở mắt cho tôi về trật tự thế giới dưới dạng sống động, kiên cố, nhưng cũng gọn ghẽ, một thế giới thu nhỏ. Tôi thích vườn thực vật và sở thú cũng là vì thế: chúng mang đến một thiên nhiên được phân loại, một cuộc sống lớp lang. Về mặt này, sách vở không được thực cho lắm; toàn chữ là chữ. Bảo tàng sắp xếp những gì có thật, biểu trưng cho tự nhiên.

Bốn đại bảo tàng ở South Kensington – đều nằm trong cùng một mảnh đất và đều xây theo phong cách baroque High Victoria – được tựu hình như một thể thống nhất đa diện, một phương cách khiến cho lịch sử tự nhiên và khoa học và nghiên cứu về văn hóa nhân loại trở nên đại chúng và dễ tiếp cận cho mọi người.

Chuỗi bảo tàng này (cùng với Học viện Hoàng gia và những bài giảng nổi tiếng vào Giáng sinh) là một viện giáo dục độc đáo kiểu thời Victoria, và với tôi từ nhỏ đến giờ, vẫn đại diện cho cái chất nên có của bảo tàng.

Có Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Địa chất, Bảo tàng Khoa học, và Bảo tàng Victoria và Albert dành cho lịch sử văn hóa. Tôi là dạng thích khoa học nên chưa từng đến cái cuối, nhưng xem cả ba cái còn lại như một nơi duy nhất và đến đó thường xuyên, vào những chiều rỗi rảnh, vào cuối tuần, vào những ngày lễ, bất cứ khi nào có thể. Tôi ghét bị tống ra ngoài vào giờ đóng cửa, và có một đêm đã lập mưu ở lại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, trốn trong Phòng trưng bày Hóa thạch Động vật Không xương sống (vốn không được canh kỹ như Phòng trưng bày Khủng long hay Cá voi) và dành một đêm ma mị một mình trong bảo tàng này, cầm đèn pin rảo bước hết phòng trưng bày này đến phòng trưng bày khác. Những con vật quen thuộc trở nên ghê gớm, lạ thường, và khi tôi lót tót trong đêm, mặt chúng bỗng trồi ra từ bóng tối rồi lơ lửng như bóng ma dưới ánh đèn pin le lói. Bảo tàng, khi không có ánh sáng, là nơi loạn trí, và khi trời sáng tôi mừng hết sức.

Tôi có nhiều bạn ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên – Cacops và Eryops, những hóa thạch lưỡng cư khổng lồ trên sọ có một cái lỗ cho con mắt thứ ba; con sứa họ Cubomedusae tên Charybdea, động vật cấp thấp nhất có thần kinh trung ương và mắt; các mẫu thổi thủy tinh xinh đẹp cho tảo Radiolaria và Heliozoa – nhưng tình cảm sâu đậm nhất của tôi, đam mê đặc biệt nhất, lại dành cho loài chân đầu, mà tại bảo tàng này có hẳn một bộ sưu tập hoành tráng.

Tôi dành hàng giờ ngắm mấy con mực: Sthenoteuthis caroli, bị mắc cạn trên bờ biển Yorkshire năm 1925, hoặc con Vampyroteuthis lạ lùng, đen tuyền (mừng quá nó chỉ là một mẫu vật bằng sáp), một hình dáng hiếm hoi vùng biển sâu có mạng hình dù giữa những xúc tu được dát bằng những ngôi sao lấp lánh ở các nếp gấp. Và dĩ nhiên không thể thiếu Architeuthis, ông hoàng của loài mực khổng lồ, đang một mất một còn với một con cá voi.

Nhưng không phải chỉ có những gì khổng lồ, xa lạ mới thu hút sự chú ý của tôi. Đặc biệt tại các phòng trưng bày côn trùng và động vật thân mềm, tôi thích mở các ngăn kéo dưới các kệ để xem tất cả các biến thể, phân loại của một loài hay một cái vỏ, và những nơi cư trú ưa thích khác nhau của chúng. Tôi không thể như Darwin đến quần đảo Galápagos và so sánh từng loài chim trên các đảo, nhưng có thể làm thứ gần như vậy trong bảo tàng. Tôi có thể là người yêu tự nhiên gián tiếp, một du khách tưởng tượng có tấm vé đi vòng quanh thế giới mà lại không cần bước chân ra khỏi South Kensington.

Và thỉnh thoảng, khi nhân viên bảo tàng đã quen mặt tôi, tôi sẽ được cho bước qua một cánh cửa khóa khổng lồ, vào thế giới riêng tư của tòa nhà Spirit mới, nơi tiến hành các công việc thật sự của một bảo tàng: nhận và phân loại mẫu vật từ khắp nơi trên thế giới, kiểm tra, phân tích, nhận biết loài mới – và đôi khi là chuẩn bị một triển lãm đặc biệt. Tôi dành từ ngày này qua ngày khác trong tòa Spirit Building trước khi đến Oxford; người bạn Eric Korn của tôi thì dành đến cả năm ở đó. Ngày xưa cả hai đứa tôi đều phải lòng sự lớp lang – và trong thâm tâm chúng tôi thấy mình là các nhà tự nhiên học thời Victoria.

Tôi yêu thích diện mạo kính-và-gỗ-xà-cừ kiểu cũ của bảo tàng và lấy làm bức xúc lúc nó bỗng trở nên hiện đại và bắt đầu dựng nên các trưng bày thời thượng ngày tôi đi học đại học vào những năm 1950 (cuối cùng đến mức tương tác luôn). Một người bạn khác, Jonathan Miller, cũng đồng tình với sự khinh rẻ và hoài cổ của tôi. “Mình có chấp niệm với thời đầu thế kỷ 20,” cậu chàng từng viết cho tôi như thế. “Mình cứ mong mỏi cả cái bảo tàng bỗng dưng chìm vào không gian đơn sắc u ám thời 1876.”

Phía ngoài Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên là một khu vườn êm ái, đầy thân cây Sigillaria, một loài cây hóa thạch đã tuyệt chủng từ lâu, và tập hợp nhiều loại Calamite. Tôi bị khu vườn thực vật hóa thạch này thu hút cực mạnh; nếu Jonathan hoài niệm về năm 1876 đơn sắc u ám, thì tôi muốn tuyền một màu xanh lục của những khu rừng dương xỉ và thường xanh thời Jurassic. Khi còn thiếu niên, tôi còn mơ đến thạch tùng khổng lồ và cây đuôi ngựa, những cánh rừng gymnosperm nguyên thủy khổng lồ từng ôm ấp địa cầu – và thật bức xúc khi nhận ra chúng đã biến mất từ lâu, còn thế giới giờ bị các loài cây có hoa hiện đại màu mè xâm chiếm. 

Từ khu vườn hóa thạch thời Jurassic của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên đi chưa đầy trăm mét là đến Bảo tàng Địa chất, hầu như lúc nào cũng hoang vắng, ít ra trong mắt tôi là thế. (Buồn thay, bảo tàng này giờ không còn tồn tại; các bộ sự tập ở đó đã được gộp vào Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên.) Ngày trước, nơi này đầy các kho báu đặc biệt, sự thư thái bí ẩn, dành cho đôi mắt hiểu biết và kiên nhẫn. Có một tinh thể antimony sulfide khổng lồ, còn gọi là stibnite, từ Nhật. Nó cao đến thước tám, một dương thể, một cái totem, và nó cuốn hút tôi theo một kiểu quái lạ, gần như chiêm bái. Lại có phonolite, một khoáng vật từ Devils Tower ở Wyoming; các cô chú canh gác, một khi đã quen mặt tôi, sẽ cho phép tôi vỗ vào đó, và nó phát ra một tiếng bum nhàm chán nhưng vang vọng như tiếng cồng chiêng, như thể ai đó vừa gõ vào miếng tăng âm của đàn dương cầm.

Tôi yêu thích cảm giác về một thế giới không-sự-sống ở đây – vẻ đẹp của tinh thể, cảm giác hoàn hảo khi chúng được tạo ra từ mạng lưới nguyên tử y hệt nhau. Tôi dành hàng giờ tìm hiểu tinh thể sulfur màu vàng nhạt và tinh thể florite màu tím nhạt – san sát, như đá quý, như ảo giác – và, ở phía đối lập, những dạng “sinh thể” kỳ lạ của kidney ore, hematite, nhìn y hệt như quả thận của các loài động vật khổng lồ đến mức có một chốc tôi phải tự hỏi mình đang ở bảo tàng nào.

Nhưng rốt cục tôi cũng trở về với Bảo tàng Khoa học, là nơi đầu tiên tôi đặt chân tới. Mẹ tôi thường dẫn anh em nhà tôi đến đây trước Thế chiến I, khi tôi còn là trẻ con. Bà sẽ dẫn chúng tôi đi xem các trưng bày tuyệt diệu – máy bay thời đầu, các cỗ máy trông như khủng long thời Cách mạng Công nghiệp, các cỗ máy thị giác đời cũ – đến một phòng trưng bày nhỏ hơn ở tầng thượng, thể hiện một mỏ than với dụng cụ nguyên gốc. “Nhìn kìa con!” bà nói. “Nhìn bên kia kìa!” Và bà sẽ chỉ cho chúng tôi nhìn một cái đèn mỏ cũ. “Cha của mẹ, tức là ông ngoại các con, phát minh ra thứ đó đấy!” bà nói, và chúng tôi nghiêng đầu đọc dòng chữ: “Đèn Landau, do Marcus Landau phát minh năm 1869. Nó đã được dùng thay thế đèn Humphry Davy ngày trước.” Mỗi lần đọc dòng này, tôi đều thấy hứng thú lạ kỳ và cảm giác mình có mối liên hệ đặc biệt với bảo tàng và với ông ngoại (sinh năm 1837 và mất lâu rồi), cảm giác rằng ông và các phát minh của ông vẫn còn sống sờ sờ.

Nhưng thấu hiểu thực sự chỉ đến với tôi tại Bảo tàng Khoa học năm tôi lên 10, lúc tôi phát hiện ra bảng tuần hoàn hóa học ở tầng năm – không phải cái vòng xoáy hiện đại xấu xí của mấy người đâu, mà là một bảng hình chữ nhật đường hoàng chiếm cả bức tường, với mỗi ngăn dành cho một nguyên tố và các mẫu vật thật, nếu có: chlorine, màu vàng ánh xanh lục; bromine nâu có vệt xoắn; tinh thể iodine đen tuyền (nhưng hóa khí màu tím); mấy mẩu uranium nặng trịch; và những hòn lithium lơ lửng trong dầu. Họ còn có khí trơ (còn gọi là khí “hiếm”, “hiếm” khi tương tác hóa học): helium, neon, argon, krypton, xenon (nhưng không có radon – chắc là nguy hiểm quá). Dĩ nhiên không thể thấy được chúng trong những ống phong kín, nhưng ta biết chúng tồn tại trong đó.

Sự hiện hữu của các nguyên tố củng cố cảm giác rằng đây đúng là những khối gỗ xây nên vũ trụ, rằng cả vũ trụ đều ngụ tại đây, ở cấp độ vi mô, chính tại South Kensington này. Tôi có một cảm giác Chân và Mỹ trào dâng khi nhìn thấy bảng tuần hoàn, cảm thấy rằng đó không chỉ là thứ con người vẽ ra một cách võ đoán, mà là nhờ quan sát trật tự vũ trụ vĩnh cửu, và rằng những khám phá và tiến bộ trong tương lai, dù là gì đi nữa, cũng chỉ củng cố, tái xác nhận lại sự thật này mà thôi.

Cảm giác hoành tráng, quy luật tự nhiên bất biến, thế mà lại có thể được nắm bắt nếu chúng ta tìm hiểu đủ kỹ càng – nó đến với tôi một cách choáng ngợp khi tôi chỉ là một cậu bé lên 10, đứng trước bảng tuần hoàn hóa học ở Bảo tàng Khoa học tại South Kensington. Cảm giác đó vẫn ở bên tôi, đến 50 năm sau vẫn chưa hề suy suyển. Niềm tin và cuộc đời của tôi được định hình từ khoảnh khắc ấy; ngọn Pishag, ngọn Sinai của tôi nằm trong một viện bảo tàng.

Những đứa trẻ mê nước

Dịch từ Water Babies trong quyển Everything in Its Place: First Loves and Last Tales của Oliver Sacks

Cả tôi và ba người anh em đều là trẻ mê nước. Cha chúng tôi, từng vô địch bơi lội (ở cuộc đua 15 dặm tại Isle of Wight ba năm liên tiếp) và yêu thích bơi lội nhất đời, dẫn lối cho mỗi đứa vào dòng nước khi mới tròn một tuần tuổi. Ở thời điểm đó, bơi là bản năng, nên nói nào ngay, chưa đứa nào phải “học” bơi.

Tôi được nhắc nhớ ký ức này khi đến thăm Quần đảo Caroline, ở Micronesia; tại đó, tôi thấy đến trẻ còn chập chững tập đi cũng lặn không ngần ngại xuống đầm phá và bơi theo kiểu bơi chó. Ở đó ai cũng bơi, chẳng ai “không thể” bơi, và kỹ năng bơi lội của dân trên đảo thật siêu việt. Magellan và các hoa tiêu khác đã đến Micronesia vào thế kỷ 16 rất kinh ngạc trước kỹ năng bơi lội này và, khi nhìn họ bơi lặn, sải từ ngọn sóng này sang ngọn sóng khác, phải buột miệng so sánh họ với cá heo. Đặc biệt, đám trẻ còn thoải mái trong sóng nước đến mức có vẻ như chúng, theo lời một nhà khám phá, “giống cá hơn người”. (Cũng chính từ người dân các đảo Thái Bình Dương mà, đầu thế kỷ 20, người phương Tây đã học được kiểu bơi sải mạnh mẽ, xinh đẹp ngoài biển mà sau này họ hoàn thiện thêm – tốt hơn nhiều, phù hợp với con người hơn nhiều so với kiểu bơi ếch thông dụng trước đó)

Phần tôi, tôi không có ký ức về việc được dạy bơi; tôi nghĩ mình học bơi bằng cách bơi với cha – thông qua những sải bơi chậm, có tính toán, đi được cả dặm của ông (vốn là một người lực lưỡng nặng hơn trăm ký) không thực sự phù hợp với một cậu bé. Nhưng tôi có thể thấy cách ông già to lớn ục ịch trên cạn nhà mình hóa thân thành một con cá heo duyên dáng trong nước. Tôi có một ký ức sinh động về một kỳ nghỉ hè ở duyên hải nước Anh, chừng một tháng sau sinh nhật năm tuổi, lúc tôi chạy vào phòng cha mẹ và lay người cha to như cá voi của mình. “Đi thôi, cha!” tôi nói. “Đi bơi nào.” Ông chầm chậm xoay lưng lại và mở một mắt ra. “Con nghĩ gì mà đi đánh thức người tứ tuần như cha lúc 6 giờ sáng chứ hả?” Giờ thì ông đã mất, và tôi hiện gần gấp đôi tuổi ông khi đó, ký ức từ thuở xa xưa này bỗng thắt lòng tôi lại, khiến tôi dở khóc dở cười.

Thuở thiếu niên là giai đoạn tồi tệ. Tôi phát một loại bệnh da liễu kỳ quặc: chuyên gia này thì bảo là erythema annulare centrifugum; chuyên gia khác lại nói erythema gyratum perstans – sao cũng được, những từ đao to búa lớn làm sao, nhưng họ cũng bó tay, và người tôi đầy vết đau muốn khóc. Nhìn như, hay cảm thấy như, thằng hủi, tôi chẳng dám cởi bỏ quần áo ở bãi biển hay bể bơi, và chỉ có thể làm thế nếu may mắn tìm ra một cái hồ heo hút ở đồng bằng hay vùng núi.

Đến thời ở Oxford, da tôi bỗng lành lại, và tôi thở phào nhẹ nhõm đến mức muốn bơi trần truồng, để cảm nhận được làn nước mơn man từng phần của mình, không có gì cản lại. Đôi lúc tôi đi bơi tại Parson’s Pleasure, khúc uốn của sông Cherwell, một khu bảo tồn có từ thời 1680 hay trước nữa để tắm khỏa thân, và được quây quần bởi các hồn ma của Swinburne và Clough. Vào những chiều hè, tôi thường lao đầu xuống dòng Cherwell, tìm một chốn cô quạnh để cắm mình, rồi lười nhác bơi qua lại đến hết ngày. Đôi lúc, ban đêm, tôi sẽ chạy đường dài cạnh bờ sông Isis, qua Iffley Lock, ra xa khỏi ranh giới thành phố. Và rồi tôi sẽ lặn xuống bơi trên dòng sông đó, đến khi dường như tôi và sông hòa vào làm một.

Bơi lội trở thành đam mê tột bậc thời tôi ở Oxford, và từ đó không còn đường quay đầu. Khi tôi đến New York, khoảng giữa thập niên 1960, tôi bắt đầu bơi ở Orchard Beach tại Bronx, và thi thoảng sẽ bơi vòng quanh City Island – tốn của tôi nhiều giờ. Cũng chính bằng việc bơi lội mà tôi tìm ra căn nhà mình sống suốt 20 năm: có lần tôi dừng bơi giữa chừng để ngắm một cái vọng lâu quyến rũ gần bờ sông, bước lên bờ rồi đi dọc con đường, thấy một căn nhà màu đỏ đang rao bán, được chủ nhà còn đang hoang mang dẫn đi giới thiệu (lúc tôi còn ướt sũng), đi đến chỗ môi giới nhà đất và thuyết phục cô ta rằng tôi có ý mua (cô ấy không quen tiếp khách hàng mặc đồ bơi), lại ào xuống nước ở bên kia đảo, và bơi về Orchard Beach, thế là đã có một căn nhà.

Tôi thường bơi ngoài trời – thời còn cường tráng – từ tháng 4 đến tháng 11, còn mùa đông thì bơi hồ trong nhà. Năm 1976-77, tôi được vinh danh Người bơi Đường dài Hàng đầu ở Mount Vernon, tại Winchester: tôi bơi 500 vòng – chừng sáu dặm – trong một cuộc thi và sẽ còn bơi tiếp nhưng giám khảo bảo, “Đủ rồi! Làm ơn về nhà giùm.”

Người ta có thể nghĩ 500 vòng sẽ chán và đơn điệu nhưng tôi chưa từng thấy bơi lội chán hay đơn điệu bao giờ. Bơi lội mang đến cho tôi một thứ niềm vui, một thứ an lành bạo liệt đến mức đôi lúc thấy như thuốc lắc. Khi bơi, cả người tôi hòa vào đó, trong mỗi sải tiến, và cùng lúc tâm trí tôi có thể trôi nổi tự do, ảo diệu, như trong cơn mê. Tôi chưa từng biết thứ gì mãnh liệt, vui thú lành mạnh như thế – và tôi nghiện đi bơi, không bơi được thì cáu bẳn.

Duns Scotus, vào thế kỷ 13, có nói về “condelectari sibi”, niềm vui đến từ việc thử thách ý chí; và Mihaly Csikszenmihalyi, thời nay, nói về “dòng chảy”. Có thứ gì đó rất đúng đắn về bơi lội, về dòng chảy và tính nhạc của nó. Và rồi có kỳ quan bềnh bồng, cảm giác được lơ lửng trong thứ vật chất dày trong suốt nâng đỡ và ôm chầm lấy ta. Người ta có thể di chuyển trong nước, chơi với nước theo cách không tìm thấy trên cạn, trong không khí. Người ta có thể khám phá tính chuyển động, dòng chảy của nó, cách này hay cách khác; người ta có thể di chuyển tay như cánh quạt và chân vịt ; người ta có thể trở thành thủy phi cơ hay tàu ngầm, nghiên cứu tính vật lý của dòng chảy bằng cơ thể mình.

Và, ngoài những điều này, bơi lội còn có tính biểu tượng – những vang vọng trong tưởng tượng của nó, tiềm năng thần thoại của nó.

Cha tôi từng gọi bơi lội là “tinh chất cuộc đời”, và có vẻ với ông đúng vậy thật: ngày nào ông cũng bơi, khi về già mới giảm lại, đến khi tận 94 tuổi. Tôi hy vọng mình có thể theo bước ông, và bơi đến chết mới thôi.